Hội kinh tế môi trường Việt Nam
Thứ sáu, 13/08/2021 18:12 (GMT+7)

Tạp chí Kinh tế Môi trường số 1: Sự khởi đầu ấn tượng

Tháng 11/2006, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho ra mắt Tạp chí Kinh tế Môi trường, cơ quan ngôn luận của TW Hội. Ngay từ ngày đầu, số đầu, Tạp chí đã nhận được sự tôn trọng của các đồng nghiệp và gây ấn tượng với bạn đọc.

Ấn tượng thời điểm ra đời

Ngày 7/11/2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức này, sau 11 năm chuẩn bị với 15 vòng đàm phán cam go. Việc gia nhập WTO không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam với thì trường rộng lớn, gồm 155 nước thành viên, chiếm 97% GDP toàn cầu. 

Từ ngày 12 đến 14/11/2006, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội khẳng định sự nhất trí cao của các nhà lãnh đạo về những kết quả của APEC 2006 và định hướng phát triển của APEC trong tương lai, hướng tới xây dựng một "đại gia đình" châu Á - Thái Bình Dương tràn đầy sức sống, phồn vinh và hài hòa. Với vai trò Chủ tịch Hội nghị, Việt Nam đã được các Nhà Lãnh đạo APEC đánh giá rất cao. Vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam ngày một nâng cao trên trường quốc tế.

tm-img-alt
Tạp chí Kinh tế Môi trường số 1 (Tháng 11/2006)

Có thể nói, trong thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” ấy, sự ra đời Tạp chí Kinh tế Môi trường là một mốc son quan trọng với công tác truyền thông của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội và là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí cho biết, để có thể xuất bản, Ban Biên tập Tạp chí đã cố gắng vượt bậc, hướng đến tương lai tươi sáng. Như lời Thư tòa soạn in trong số 1 đã nhấn mạnh:

“Tiếp bước trên con đường phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, chúng ta vui mừng có thêm người bạn mới đồng hành, đó là Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Sự nghiệp bảo vệ môi trường là to lớn, nặng nề, tương lai của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam rất sáng sủa. Tạp chí Kinh tế Môi trường nguyện làm tốt nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận, diễn đàn và người cổ động trong công tác bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Ấn tượng sự xuất hiện của 3 bộ trưởng

Ngay từ số 1, Tạp chí đã “trình làng” với một diện mạo đĩnh đạc, đáp ứng đủ độ dày chuyên sâu và độ vươn của các vấn đề truyền tải. Một loạt các đề tài được Tạp chí phản ánh vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Đặc biệt, số 1 Tạp chí Kinh tế Môi trường còn ghi nhận sự xuất hiện của 3 đời Bộ trưởng liên tiếp của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đó là:

- “Bảo vệ môi trường để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm”, tác giả Ái Vân phỏng vấn ông Mai Ái Trực, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ TN&MT xung quanh những rào cản về an toàn thực phẩm cho sức khỏe người tiêu dùng khi Việt Nam gia nhập WTO.

- “Bảo vệ và cải thiện môi trường vì sự phát triển bền vững đất nước”, của TS Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng thường trực Bộ TN&MT. Tháng 8/2007, TS Phạm Khôi Nguyên kế nhiệm ông Mai Ái Trực, trở thành Bộ trưởng Bộ TN&MT.

tm-img-alt
Bài viết của TS Trần Hồng Hà trên Tạp chí Kinh tế Môi trường.

-  “Doanh nghiệp vừa và nhỏ với công tác bảo vệ môi trường: Thách thức và cơ hội”, bài viết của TS Trần Hồng Hà. Tháng 7/2008, TS Trần Hồng Hà là Thứ trưởng, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ TN&MT từ tháng 4/2016 đến nay.

Ngoài ra, Tạp chí số 1 còn có sự cộng tác của một số tác giả nổi tiếng. Điển hình như:

- “Một số suy nghĩ về giáo dục bảo vệ môi trường trong hệ thống nhà trường”, của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh -  Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN.

- “Ứng xử môi trường đúng đắn: Một tiêu chuẩn của đạo đức, nền tảng của xã hội bền vững”, của GS.TSKH Lê Huy Bá, một chuyên gia về sinh học môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM.

- “Kinh tế môi trường có một tương lai hứa hẹn tại Việt Nam”, của ông David Glover, Giám đốc Chương trình Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA).

Cùng chuyên mục

Tin mới

Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái Quốc gia
Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái Quốc gia do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện
Đi câu bàn chuyện môi trường
Tác giả Trần Nhung có bài viết “Đi câu bàn chuyện môi trường” đăng tải trên số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này để bạn đọc biết.