Hội kinh tế môi trường Việt Nam
Thứ năm, 21/10/2021 10:26 (GMT+7)

Đi câu bàn chuyện môi trường

Tác giả Trần Nhung có bài viết “Đi câu bàn chuyện môi trường” đăng tải trên số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này để bạn đọc biết.

Mùa hè 2006, tình hình bán đảo Triều Tiên nóng lên. CHDCND Triều Tiên vừa bắn thử tên lửa xuyên lục địa, có tầm bắn xa đến 5.000km. Mặc dù cuộc thử nghiệm bị trục trặc kỹ thuật, đáng lẽ tên lửa phóng đến mục tiêu định trước ở ngoài khơi Thái Bình Dương nhưng lại rơi trong vùng biển Nhật Bản. Nhân sự kiện này, Mỹ, Nhật, nhiều nước Tây Âu gây sức ép rất mạnh với CHDCND Triều Tiên.

Cuộc đàm phán bàn về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bế tắc (Mỹ, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản). Trong khi đó thì nền kinh tế CHDCND Triều Tiên gặp khó khăn do nông nghiệp mất mùa vì lũ lụt và hạn hán. Đại sứ CHDCND Triều Tiên ở Việt Nam là Bắc Ung Sốp được giao nhiệm vụ tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam. Vốn là bạn thân đã gần 40 năm, vì thế ông thường có những buổi tâm sự về nhiều vấn đề của quan hệ song phương cũng như tình hình Việt Nam và quan hệ Việt Nam với các nước.

Một ngày đầu hè oi ả, ông rủ vợ chồng tôi đi câu ở một hồ cá ngoại thành Hà Nội, nằm ở phía bắc cầu Thăng Long. Cùng đi câu cá có vợ chồng Đại tá tùy viên quân sự và Li Hô Run, Tham tán chính trị Đại sứ quán. Buổi sáng mùa hè, ngồi câu cá thật tuyệt. Chúng tôi chọn góc hồ yên tĩnh ở phía nam, một túp lều tranh ẩn dưới vòm cây xanh, đón cái gió mát lành.

tm-img-alt

Thả dây câu xuống hồ, chúng tôi chăm chú nhìn xem chiếc phao động đậy để biết cá có cắn câu không. Nhưng mới sáng ra một lúc mà mặt nước đã bốc hơi hâm hấp, nước lại bị ô nhiễm, nơi ven hồ càng ô nhiễm nặng bởi rác rưởi, lá cây và mồi câu thừa của những người đi câu hôm trước, khiến cá lặn xuống sâu hoặc bơi ra giữa hồ.

Thú thật, tôi không là người sành câu, lại thiếu tính kiên trì nên ngồi lâu thấy chán. Tôi gợi ý mang bia rượu ra uống. Bắc Ung Sốp mỉm cười: - Ráng đợi chút nữa, lúc này ăn uống hơi sớm quá. Tôi nhìn đồng hồ, mới 9h30 sáng.

Bắc Ung Sốp trầm ngâm: Thiên nhiên Việt Nam đẹp lắm. Ước gì tôi được trở lại vùng Tràng Dương xưa kia. Đó là làng miền núi thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên, là nơi khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán.

Tôi bảo: -Tràng Dương dưới chân Tam Đảo, cây cối tươi tốt, cảnh đẹp nên thơ. Nhưng nơi đây giờ đã nằm dưới lòng hồ Núi Cốc rồi. Hồ Núi Cốc xây dựng những năm 1980, nhấn chìm ba xã vào lòng hồ, bây giờ là địa điểm du lịch tuyệt đẹp.

Năm 1967, Bắc Ung Sốp cùng 6 bạn Triều Tiên khác sang Việt Nam học tập. Trước khi vào lớp ngôn ngữ, khoa Ngữ Văn Đại học tổng hợp Hà Nội, các bạn được Bác Hồ tiếp. Bác nói chuyện thân mật, căn dặn các cháu phải học tập cho tốt để về phục vụ cuộc đấu tranh thống nhất Triều Tiên. Trước khi chia tay, Bác tặng mỗi bạn một huy hiệu Bác Hồ, và nói: Bác nhận các cháu là cháu Bác. Lên Việt Bắc, nếu có khó khăn gì cứ bảo Bác giúp đỡ.

Tuy nhiên 4 năm học (1967-1971), các bạn Triều Tiên tỏ ra rất chăm chỉ, lại chịu đựng gian khổ rất giỏi nên không khi nào phải cầu cứu Bác giúp đỡ. Tôi nhớ có lần Bắc Ung Sốp hỏi tôi về từ “nằm vạ” trong khi đọc chuyện Nam Cao. Tôi giải thích mãi mà Bắc Ung Sốp vẫn không hiểu. Sau này, cả 7 bạn Triều Tiên học cùng khóa với tôi đều trở thành những nhà ngoại giao Triều Tiên và thường xuyên được cử sang Việt Nam công tác, trong đó có 2 đại sứ (Ri Hồng và Bắc Ung Sốp), hai tham tán chính trị, một tham tán thương mại. Chính mối tình sinh viên ấy cộng với việc sau này tôi là phóng viên thời sự quốc tế của báo Quân đội Nhân đã gắn bó tôi với các bạn Triều Tiên.

Vừa ngồi câu, chúng tôi tâm sự đủ điều nhưng nổi lên vẫn là bàn về môi trường. Từ môi trường nước của hồ cá đang câu, chúng tôi nói đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở nhiều sông hồ Việt Nam, đặc biệt là sông hồ ở các đô thị lớn. Cuối cùng lại bàn đến môi trường chính trị.

Tôi bảo: - Việt Nam đang rất cần môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế. Sau mấy cuộc chiến tranh ác liệt, chúng tôi đang chạy đua với thời gian để có thể vươn nhanh.

Bắc Ung Sóp có vẻ suy tư: - Các bạn thật hạnh phúc vì cuộc đấu tranh thống nhất đã hoàn thành. Chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ trong cuộc đấu tranh hoà binh tự chủ thống nhất Tổ quốc.

Rồi ông say sưa nói về chiến lược của CHDCND Triều Tiên đối phó với sức ép chính trị, kinh tế, quân sự của Mỹ. Ông nói: - Ở thế không thể dừng. Chúng tôi buộc phải ưu tiên phát triển công nghiệp quân sự để có thể đương đầu với Mỹ. Chúng tôi phát triển vũ khí hạt nhân nhằm phòng vệ, kiên quyết không khuất phục trước âm mưu của Mỹ sử dụng vũ lực chống nước cộng hoà. Môi trường chính trị ở Đông Bắc Á đang nóng bỏng, nghẹt thở. Nhưng đó không phải là ý muốn của chúng tôi.

Rõ ràng là con người, cộng đồng mỗi quốc gia hay dân tộc rất cần môi trường lành mạnh. Đó không chỉ là môi trường nước, không khí, sinh thái... mà còn là các môi trường văn hoá, đời sống, chính trị... mà sự hình thành và phát triển môi trường Con Người là quyết định.

Mải vui câu chuyện, đã xế trưa. Chúng tỏi rải khăn ni lông, bày thứ ăn, bia rượu. Nâng chén rượu sâm lên chúc ông Đại sứ và các bạn Triều Tiên, tôi nhập một ngụm nhỏ. Mọi lần, tôi uống chén rượu này trong các cuộc chiêu đãi ở Đại sứ quán Triều Tiên tại số nhà 50 Trần Phú, thấy rất ngon. Nhưng hôm nay, uống chén rượu này ở nơi câu cá lại thấy không ngon. Có lẽ cái nóng cộng với mùi sú uế xông lên nồng nặc từ môi trường nước của hồ nuôi cá bị ô nhiễm nặng.

Và dường như ngoài ý muốn của chúng tôi, một túp lều cách chúng tôi mươi bước chân cũng có một đôi nam nữ đi câu cá, nhưng họ chẳng quan tâm gì đến việc đi câu mà chỉ dành cho chuyện tình tự với những cử chỉ âu yếm chẳng tế nhị chút nào. Tôi cố không nhìn cảnh ấy để đầu óc nghĩ về sứ mệnh nặng nề của ông Đại sứ trong bối cảnh Triều Tiên bị bao vây, cô lập nặng nề. Nuốt món Kim chi đặc sản Triều Tiên mà sao lại thấy cổ họng nghèn nghẹn. Ba tháng sau cuộc đi câu ấy, ông Bắc Ung Sốp về nước kết thúc nhiêm kỳ công tác tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Hệ thống phân chia đẳng cấp theo chất thải
Trong số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006 có bài viết Hệ thống phân chia đẳng cấp theo chất thải. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này để bạn đọc biết.

Tin mới

Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái Quốc gia
Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái Quốc gia do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện
Đi câu bàn chuyện môi trường
Tác giả Trần Nhung có bài viết “Đi câu bàn chuyện môi trường” đăng tải trên số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này để bạn đọc biết.