Hội kinh tế môi trường Việt Nam
Thứ tư, 20/10/2021 14:57 (GMT+7)

Bảo vệ và cải thiện môi trường vì sự phát triển bền vững đất nước

Bằng việc thông qua kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991- 2000, nước ta đã sớm hội nhập vào con đường phát triển bền vững của thế giới...

Tác giả Phạm Khôi Nguyên đã có bài viết “Bảo vệ và cải thiện môi trường vì sự phát triển bền vững đất nước” trong số đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này cùng bạn đọc.

Bằng việc thông qua kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991- 2000, nước ta đã sớm hội nhập vào con đường phát triển bền vững của thế giới. Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở nước ta trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực, thể hiện trên các mặt xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; thay đổi nhận thức và hành vi về BVMT; hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Những thành tựu đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

tm-img-alt
Bảo vệ và cải thiện môi trường vì sự phát triển bền vững đất nước. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nhìn chung công tác BVMT chưa tương xứng với mức độ gia tăng ô nhiễm và sự tác động xấu đối với môi trường của quá trình phát triển. Những thành tựu đạt được qua 20 năm đổi mới một phần quan trọng được dựa vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Môi trường thiên nhiên ở nhiều nơi, bị tàn phá nghiêm trọng, ô nhiễm và suy thoái đến mức báo động.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do chưa có nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với BVMT, do những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT.

Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (năm 2004) về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước đã chỉ rõ con đường và các giải pháp BVMT. Dưới đây, chúng tôi xin đề xuất những nội dung cơ bản nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường vì sự phát triển bền vững đất nước.

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật BVMT. Cùng với việc nhanh chóng xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi theo hướng hình thành các quy phạm rõ ràng, cụ thể chi tiết và khả thi, chúng ta còn cần sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật về đa dạng sinh học, Luật về bảo vệ chất lượng không khí, Luật về BVMT biển, tiến tới xây dựng  Bộ luật  hoàn chỉnh về  môi trường bao gồm toàn bộ các thành phần môi trường, gắn việc phòng, chống ô nhiễm với khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn việc BVMT với phát triển kinh tế và công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT phải bảo đảm phù hợp với các yêu cầu của nền kinh tế quốc tế và nội luật hoá các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ không thể thiếu trong công tác quản lý.

Hai là, tổ chức thực hiện tốt pháp luật về BVMT. Nhìn chung việc thực thi pháp luật về BVMT trong thời gian qua chưa nghiêm túc, hiệu lực và hiệu quả thấp. Vì không tuân thủ các quy định đánh giá tác động môi trường diễn ra khá phổ biến. Trong số hàng nghìn dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phần lớn các dự án, kể cả các dự án liên doanh trong nước và ngoài nước đã không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về BVMT. Một số doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ làm hình thức, không vận hành hoặc chỉ vận hành đối phó. Hiện nay có đến 70% các khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải, 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không xử lý nước thải.

Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, có dành một chương quy định 10 loại tội phạm môi trường nhưng hầu như chưa được triển khai trên thực tế. Mặc dù, các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT nghiêm trọng đã được người dân, công luận lên tiếng phản ánh, trong đó có việc nhập khẩu trái phép chất thải của một số doanh nghiệp, việc xả chất ô nhiễm với khối lượng lớn ra sông, nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã quý hiếm, nạn khai thác tài nguyên bằng các phương tiện, công cụ có tính chất hủy diệt... nhưng cho đến nay hầu như chưa có vụ nào bị xử lý hình sự. Những hạn chế này cho thấy cần phải tăng cường cưỡng chế thi hành pháp luật và phải sử dụng tối đa sức mạnh của luật pháp về BVMT. Để thực hiện việc cưỡng chế này cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan bảo vệ pháp luật và sự giám sát thường xuyên của nhân dân.

tm-img-alt
Bảo vệ và cải thiện môi trường vì sự phát triển bền vững đất nước. (Ảnh minh họa)

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác BVMT. Công tác BVMT đòi hỏi phải có các cơ chế phối hợp có tính hệ thống cao. Hiện nay, chúng ta chưa có đủ cơ chế để quản lý các vấn đề môi trường có tính liên ngành, liên vùng, liên lãnh thổ, xuyên quốc gia. Môi trường là vấn đề rộng lớn, vì vậy, các Bộ, ngành và địa phương khi giải quyết cần phải có tầm nhìn tổng thể, hệ thống nhưng phải có những hành động ưu tiên cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm và thiết thực.

BVMT đòi hỏi thiết lập cơ chế huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong khi đó, chúng ta mới chỉ chú trọng đến viêc hoàn thiện những cơ chế quản lý môi trường thuộc hệ thống cơ quan Nhà nước mà chưa chú ý thoả đáng đến việc thiết lập các cơ chế để phát huy vai trò của các thành phần khác trong hệ thống chính trị như Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể... Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho Mặt trận và đoàn thể tham gia quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát công tác BVMT; chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hoá, đa dạng hoá các loại hình hoạt động BVMT, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện các dịch vụ BVMT; khuyến khích thành lập các tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định về BVMT.

Hợp tác về BVMT với các nước và các tổ chức quốc tế có vai trò rất quan trọng. Cần xây dựng chiến lược hợp tác, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực quốc tế; chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp địa phương và cơ sở; tăng cường hợp tác với các quốc gia có chung đường biên giới, nhất là có chung các con sông để BVMT khu vực biên giới và kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới; phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi chuyển chất thải, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào nước ta.

Bốn là, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác BVMT. Mục tiêu phát triển bền vững sẽ không trở thành hiện thực nếu chúng ta không có chiến lược đầu tư hợp lý, công bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài trên cơ sở chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, quan tâm đến an sinh xã hội và bố trí nguồn lực hợp lý cho BVMT. Có như vậy, các trụ cột của tiến trình phát triển mới bền vững, nhu cầu của các thế hệ hiện tại được đáp ứng ngày càng tốt hơn và cơ hội phát triển của các thế hệ tương lai vẫn được gìn giữ.

Cùng chuyên mục

Hệ thống phân chia đẳng cấp theo chất thải
Trong số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006 có bài viết Hệ thống phân chia đẳng cấp theo chất thải. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này để bạn đọc biết.
Đi câu bàn chuyện môi trường
Tác giả Trần Nhung có bài viết “Đi câu bàn chuyện môi trường” đăng tải trên số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này để bạn đọc biết.

Tin mới

Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái Quốc gia
Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái Quốc gia do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện
Đi câu bàn chuyện môi trường
Tác giả Trần Nhung có bài viết “Đi câu bàn chuyện môi trường” đăng tải trên số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này để bạn đọc biết.