Hội kinh tế môi trường Việt Nam
Thứ năm, 21/10/2021 16:12 (GMT+7)

Ứng xử môi trường đúng đắn: Một tiêu chuẩn của đạo đức, nền tảng của xã hội bền vững

Trong số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006 có bài “ Ứng xử môi trường đúng đắn: Một tiêu chuẩn của đạo đức, nền tảng của xã hội bền vững” của tác giả Lê Huy Bá. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu để bạn đọc biết.

Một số tác giả chịu ảnh hưởng lớn về đạo đức môi trường như Aldo Leopold (1949), Nhà sinh thái học, tác giả cuốn “A sand County Almanac", đã viết về sự cần thiết trong việc mở rộng mối quan hệ của con người với tự nhiên, và ông đã gọi ứng xử ấy là “ứng xử với đất”. Nó chỉ ra rằng, con người chỉ là một phần của một cộng đồng rộng lớn, bao gồm đất, nước, thực vật, động vật, gọi ngắn gọn là vùng đất. Leopold đã đưa ra lời cảnh báo và đề xuất khai thác có phục hồi nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta.

Đi xa hơn, Charles E. Little, tác giả và là người sáng lập Diễn đàn Đất đai châu Mỹ (nay là Hiệp hội Tài nguyên đất châu Mỹ), gọi việc ứng xứ với đất là “một trong những ý tưởng quan trọng nhất của thế kỷ".

tm-img-alt
Trồng cây gây rừng là một việc làm thiết thực trong việc bảo vệ môi trường.

Nhà triết lý sinh thái học người Na Uy Ame Naess nói rằng: “Một triệt lý có sự tổng hợp giữa lý thuyết và thực hành khi có sự hiểu biết đa ngành, ứng xử với đất đai dạy cho chúng ta mối quan hệ giữa đất với hệ thống sinh thái, nó chỉ dẫn cho chúng ta việc mở rộng “biên giới của cộng đồng bao gồm đất, nước, thực vật, động vật hay gọi chung là vùng đất".

“Ứng xử đúng đắn - Phát triển bền vững của Trái đất" gọi tắt là “ứng xử đúng đắn bền vững" (ƯXĐĐ), trong đó, quan điểm bao trùm: Trái đất cung cấp nguồn tài nguyên có hạn và con người là một phần của tự nhiên chứ không đứng trên tự nhiên.

Sự thừa nhận chủ yếu của ƯXĐĐ là “không có gì vô tận", Trái đất cung cấp có hạn nguồn tài nguyên không thể tái tạo được như kim loại, dầu...

Ngay cả nguồn tài nguyên có thể tái tạo được cũng có thể bị cạn kiệt bởi sự quản lý không đúng. Chúng ta cần phải nhận ra rằng, sự gia tăng sản xuất và tiêu dùng có thể gây thiệt hại cho môi trường sống.

Những nhận thức quan trọng này sẽ dẫn đến chiến lược mới về tiêu thụ nguồn tài nguyên. Thứ nhất, là sự bảo tổn, giảm bớt việc sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên. Thứ hai, chiến lược tái sử dụng và tái quay vòng tất cả các vật chất. Thứ ba, tăng cường sử dụng nhiều hơn các nguồn tài nguyên có thể tái tạo (gió, ánh sáng mặt trời) thay cho tài nguyên không tái tạo và hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên không thể tái tạo (than và dầu). Thứ tư, kiểm soát sự gia tăng dân số.

ƯXĐĐ cũng cho rằng con người không phải đứng tách riêng ra mà là một phần của thiên nhiên. Thông điệp đơn giản này phù hợp với câu văn của nhà lãnh tụ Ấn Độ Seattle - người đã quan sát một cách tuyệt vọng khi người da trắng chiếm đoạt vùng đất của Ấn Độ ở Tây Bắc Thái Bình Dương:

“Anh cần phải dạy dỗ con cái của anh rằng, đất dưới chân chúng là tro hài cốt của cha ông chúng ta. Vì vậy, chúng sẽ kính trọng đất, hãy bảo với con cái của các anh rằng, Trái đất giàu hay nghèo phụ thuộc vào cuộc sống của họ hàng chúng ta. Dạy cho con cái của các anh rằng, quả đất chính là mẹ của chúng ta, nếu con người khạc nhổ trên đất, chính con người đã tự khạc nhổ vào mẹ mình".

Điều chúng ta biết là Trái đất không phụ thuộc vào con người, mà con người phụ thuộc vào Trái đất, tất cả mọi thứ đều có môi quan hệ giống như máu chảy đến từng bộ phân trong cơ thể.

ƯXĐĐ bao gồm mối quan hệ với đất đai, không khí, nước và tất cả các sinh vật sống, bao gồm luôn cả các thế hệ tương lai, nó nuôi dưỡng lòng kính trọng đối với cuộc sống.

ƯXĐĐ vạch ra bốn nguyên tắc cho hoạt động của bất cứ xã hội nào. Đây là cội nguồn trong khoa học sinh thái môi trường, một lý thuyết dựa trên cơ sở thực tế.

Các khía cạnh thực tiễn và đạo đức của triết lý mới này có thể có nhiều lợi ích sau:

Thứ nhất ƯXĐĐ có thể dạy cho chúng ta việc kiểm tra các quyết định về “kinh tế - tài nguyên", “kinh tế - sinh thái" một cách cẩn thận hơn khi chúng ảnh hường đến tính toàn vẹn, ổn định và vẻ đẹp của Thế giới. Chúng ta có thể thấy rằng các suy nghĩ và hành vi vụ lợi cá nhân đã cướp đi của chúng ta sự an ninh, hạnh phúc, vẻ đẹp và sức khoẻ.

Thứ hai, chúng ta ngày càng nhận thấy mối quan hệ "quốc tế” của tất cả các thành phần của Trái đất và các hoạt động của chúng ta thường có nhiều ảnh hưởng bất ngờ. Kiến thức của chúng ta về mối quan hệ toàn cầu gia tăng và có thể đạt đến việc quan tâm tất cả các hoạt động của nhân loại.

Thứ ba, như một kết quả tự nhiên của sự thay đổi trong cách nhìn, chúng ta suy nghĩ thận trọng hơn trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống chúng ta về mặt công nghệ và phát triển. Ví dụ: Câu hỏi vừa mới đặt ra: "Chúng ta có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân không?" và ngay sau đó, câu hỏi quan trọng sẽ phải là: "Hậu quả của ô nhiễm và sự cố môi trường sẽ như thế nào?”.

Khái niệm về ƯXĐĐ đối với dân chúng hiện nay dường như còn xa lạ. Tuy nhiên, khi nguồn Tài nguyên trở nên khan hiếm, sự thận trọng sẽ trở nên tự nhiên hơn. Như nhà tương lai học John Naisbitt (2001) đã viết ‘Thay đổi theo chiều hướng tốt sẽ xảy ra ở nơi nào có sự đồng thuận giữa hai giá trị thay đổi và sự cần thiết về mặt kinh tế". Trong thực tế, sự cần thiết có thể gia tăng sự thận trọng, sự thận trọng có thể là nguyên nhân hình thành trách nhiệm của chúng ta đối với môi trường toàn cầu, đối với thế hệ tương lai và đối với các sinh vật khác.

Các nhà môi trường cho rằng, động vật, thực vật và các sinh vật khác có quyền đòi hỏi tương tự những cái chúng ta đòi hỏi. Họ nói, một cái cây có quyền tồn tại như một con bọ ngựa. Động, thực vật có quyền tồn tại bất chấp lợi ích của sinh vật khác và con người. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ các loài sinh vật, ƯXĐĐ là một tiêu chuẩn đạo đức, nếu chúng ta không đối xử với người hàng xóm bằng lòng kính trọng và sự tử tế, thì không mong người hàng xóm đối xử tốt với ta. Chúng ta nên có hành vi đối xử với các loài sinh vật không phải là con người một cách công bằng hơn.

Hệ thống ƯXĐĐ là một khuôn mẫu mới, nền tảng của một xã hội bền vững. Tuy nhiên, nó có thể khác biệt, nó không cần thiết phải loại bỏ hết công nghệ, tất cả sự phát triển, hay tất cả các sản phẩm vật chất. Thay vào đó, nó biện hộ cách nhìn sâu sắc về tình trạng hoạt động của chúng ta trong một thời gian dài và ước lượng tầm quan trọng của công nghệ, sự gia tăng dân số và chủ nghĩa vật chất.

Cân nhắc và đưa ra quyết định cho hành vi môi trường

Hàng ngày mỗi con người phải đối mặt với hàng chục các quyết định, nhiều trong số đó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chẳng hạn như anh nên đi xe máy hay xe đạp khi đi làm việc, đi chơi? Tổng các quyết của hàng triệu cá nhân cộng lại, sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường sống của chúng ta. Các công ty và chính quyền phải đối mặt với nhiều quyết định như vậy. Lại có các quyết định của những người này tác động sâu sắc đến hàng triệu cá nhân khác. Thí dụ, chính quyền nên phát triển năng lượng hạt nhân hay đẩy mạnh sự bảo tổn năng lượng truyền thống? Chính quyền nên sử dụng giấy tái sinh hay mua nguyên vật liệu mới? Việc hiểu biết các quyết định được tạo ra như thế nào và học hỏi cách tạo ra quyết định có thể giúp chúng ta biết được trách nhiệm của mình đối với môi trường.

tm-img-alt
Hãy bảo vệ môi trường vì thế hệ tương lai.

Cuối cùng, phần lớn các quyết định của chúng ta bị ảnh hưởng bởi các giá trị của chúng ta, cái chúng ta nhìn đúng hay sai, khao khát hay không khao khát. Các giá trị mà chúng ta học được từ cha mẹ chúng ta, đồng nghiệp, bạn bè, thầy cô, các chức sắc tôn giáo, các nhà chính trị, nhà văn, thậm chí là các em thiếu nhi. Các giá trị này có thể thay đổi theo thời gian và thỉnh thoảng tác động một cách mạnh mẽ.

Nhiều người lại theo đuổi “thuyết vị lợi”, cho rằng giá trị của bất cứ cái gì đều được xác định bởi tính hữu ích của nó. Quan điểm này đặt những nhu cầu của con người lên trên những thứ khác, nhưng không phải tất cả. Các nhà kinh tế học thì so sánh các tiêu chuẩn của những quyết định vị lợi. Thí dụ như quản lý nguồn tài nguyên thực dụng, tìm ra cách thức nhanh nhất, rẻ nhất để can thiệp vào nguồn tài nguyên... mặc dù có sự tìm kiếm việc bảo vệ môi trường, nhưng phần lớn là bảo vệ các nhu cầu chỉ cho con người mà thôi. Rừng có thể được trồng lại, nhưng nó không thể như rừng nguyên sinh, cung cấp nhiều chỗ ở cho các động vật cũng như cung cấp thực phẩm cho thế hệ tương lai.

ƯXĐĐ môi trường bền vững có thể được coi như là hệ thống các giá trị tinh thần, đạo đức, nó kêu gọi mọi người xem xét một biến cố mới khi ra quyết định, nó giữ cho chúng ta nơi ở trên thế giới của chúng ta và cầu khẩn chúng ta hành động trong sự hợp tác và cân nhắc, hơn là sự cách biệt và ích kỷ.

Bước chuyển tiếp tạo nên ứng xử môi trường đúng đắn

a.Các biểu hiện thay đổi thái độ và hành vi: Một sự thay đổi sâu sắc trong thái độ là điều cần thiết để bắt đầu tiến trình. Khi con người chấp nhận và thực hiện ƯXĐĐ, họ sẽ tự tạo ra nó.

Sự thay đổi trong lối sống dẫn đến một trật tự xã hội mới. Đó là điều cần thiết để có các luật lệ mới và sự thay đổi niềm tin. Nhiều người lại tin rằng tai họa môi trường là cần thiết để làm thay đổi thái độ và lối sống, bởi vì nó sẽ đạt đến “khủng hoảng”. Các nhà môi trường lại cho rằng, các cuộc khủng hoảng thì quá hỗn loạn và cần phải khủng hoảng.

b.Thực tế đã có sự thay đổi hành vi ứng xử môi trường theo hướng đúng. Không nghi ngờ gì nữa, thái độ của quần chúng đang thay đổi. Thái độ mới này là do sức ép của sự phát triển của các quốc gia trước việc nguồn tài nguyên cung cấp đang cạn dần và các vấn đề kinh tế không đủ tạo ra một xã hội bền vững, trước hết do nhu cầu của hội nhập quốc tế (WTO). Yếu tố chính là sự đổi lại những cách làm không hiệu quả. Theo cách nhìn này, chúng ta sẽ không mua những xe hơi bóng loáng, những ngôi nhà lộng lẫy, trang thiết bị hiện đại và nhiều thứ khác khi mà vì chúng mà năng lượng trở nên thiếu hụt và nguồn tài nguyên trở nên cạn kiệt.

Để đạt được một xã hội và môi trường thực sự bền vững, chúng ta cần có thái độ, biểu hiện, một mặt duy trì mức sống của chúng ta, mặt khác giảm những đòi hỏi gây áp lực lên nguồn tài nguyên. Bước tiếp theo và dĩ nhiên khó khăn nhất, là hướng đến một xã hội bền vững là phát triển thái độ “Sử dụng ít hơn cái mình có". Nó có nghĩa là cần phải thay đổi cách vận hành, sử dụng xe tiêu hao ít năng lượng; sử dụng phương tiên giao thông công cộng và đi bộ; sử dụng chung các công cụ với hàng xóm hay thuê chúng, bỏ đi các thói quen xa hoa.

Thực ra, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong lối sống từ “ngày càng phong phú” đến “ngày càng ít hơn". Nhiều người thay đổi có lối sống đơn giản hơn, một số người lại có khuynh hướng di chuyển về vùng nông thôn. Nhiều người quay trở lại các hoạt động phi cơ giới hoá như bơi xuồng, câu cá, trượt tuyết, về vùng quê...

Với sự thay đổi về thái độ và lối sống, tạo nên một sự lạc quan nhưng có nhiều cái để làm hơn. Tuy nhiên, một cách rõ ràng, chúng ta cần phải thận trọng với sự lạc quan đó.

c.Tránh những cạm bẫy khi ứng xử môi trường đúng đắn

Tạo sự chuyển tiếp đến một xã hội môi trường bền vững là sự thử thách và cơ hội của cuộc đời. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần phải tránh những cạm bẫy nguy hiểm.

Trước tiên, chúng ta cần phải tránh tình trạng tê liệt do thiếu hụt lương thực thực phẩm, chiến tranh, ô nhiễm môi trường. Các vấn đề trên sẽ ngăn cản chúng ta suy nghĩ sáng tạo và hành động ngay cả trong cuộc sống riêng tư của chúng ta.

Thứ hai, phải tránh “sự lạc quan, tin tưởng quá mức vào các giải pháp kỹ thuật”. Trên nguyên tắc các giải pháp kỹ thuật phải mang lại lợi ích tối đa và thiệt hại tối thiểu đối với môi trường và sức khoẻ của con người.

Thứ ba, phải tránh các giải pháp lỗi thời như xây dựng các nhà máy đường, nhà máy xi măng lạc hậu... tuy nhiên, cần phải cẩn thận với các việc làm của mình vì các vấn đề của ngày mai là hậu quả của những việc làm hôm nay. Các giải pháp mới đối với các vấn đề mới cần có thời gian, nhưng chúng ta cũng cần phải cập nhật.

Thứ tư, cần tránh những ý tưởng hẹp hòi và sự tưởng tượng sai lệch. Tất cả sáng tạo của chúng ta, sự hợp tác và lòng kiên nhẫn nhằm hướng tới một “môi trường xã hội bền vững”, ngay cả khi chúng ta không biết chính xác hình dạng của nó trong tương lai.

Thứ năm, phải tránh thái độ bàng quang và ỷ lại, cho rằng một người nào đó sẽ giải quyết vấn đề thay mình. Chúng ta cần phải trở nên tích cực và làm nên sự thay đổi. Chúng ta cần phải bắt đầu với những vấn đề bao quanh chúng ta, ngay lập tức.

Nên nhớ câu nói “Nếu anh không là một phần của giải pháp, anh sẽ là một phần của rắc rối”, chúng ta sống trong thời đại hợp tác, chúng ta thành công khi cùng làm việc với nhau. Chúng ta thành công ngay sau khi mỗi một người chúng ta tạo ra sự thay đổi nhỏ, cuối cùng sẽ làm thay đổi môi trường toàn cầu.

Nhìn chung, xây dựng một môi trường bền vững đòi hòi một chiều hướng mới của lòng tin đạt đến sự ứng xử đúng đắn, bởi vì thái độ của chúng ta hướng đến tự nhiên xác định giữa chúng ta với môi trường ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào.

Cách suy nghĩ hạn chế đã tạo nên một xã hội hợp đồng kém. Một xã hội hợp đồng cao có thể được tạo ra sự chấp nhận và thực hiện việc ứng xử đúng đắn. Điều này khuyên bảo chúng ta thực hiện việc bảo tổn, tái quay vòng nguồn tài nguyên có thể phục hồi được và kiểm soát dân số. Hệ thống ứng xử đúng đắn mới sẽ giúp chúng ta xác định đầy đủ nền kinh tế của chúng ta và các quyết định về nguồn tài nguyên thiên nhiên trong việc tạo ra sự phát triển bền vững.

Có người cho rằng, để đến được một xã hội phát triển bền vững, còn một đoạn đường dài. Tạo ra sự thay đổi, chúng ta cần phải tránh tình trạng tê liệt, cho rằng con người bị kết tội. Chúng ta cũng cần phải tránh chủ nghĩa “tạm biệt quá khứ” tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề của ngày hôm nay bắt đầu với câu trả lời ngày hôm qua.

Hành vi ứng xử môi trường đúng đắn, nếu được sự quan tâm đúng mức của Nhà nước, của các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, của toàn xã hội, toàn thể các quốc gia trên thế giới thì chắc chắn chúng ta sẽ được sống hạnh phúc trong một môi trường trong lành và để lại cho thế hệ con cháu mai sau một Trái đất với tài nguyên thiên nhiên và môi trường bền vừng.

Cùng chuyên mục

Hệ thống phân chia đẳng cấp theo chất thải
Trong số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006 có bài viết Hệ thống phân chia đẳng cấp theo chất thải. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này để bạn đọc biết.
Đi câu bàn chuyện môi trường
Tác giả Trần Nhung có bài viết “Đi câu bàn chuyện môi trường” đăng tải trên số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này để bạn đọc biết.

Tin mới

Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái Quốc gia
Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái Quốc gia do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện
Đi câu bàn chuyện môi trường
Tác giả Trần Nhung có bài viết “Đi câu bàn chuyện môi trường” đăng tải trên số báo đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu lại bài viết này để bạn đọc biết.