Việt Nam cần đi tiên phong về giáo dục bảo vệ môi trường
Ô nhiễm môi trường không khác gì một “dịch bệnh” toàn cầu, đang hàng ngày giết chết vô số người.
Ô nhiễm môi trường không khác gì một “dịch bệnh” toàn cầu, đang hàng ngày giết chết vô số người.
Những hiểm họa về môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn nạn nghèo đói,… mà nhân loại đang phải đối mặt chính là hậu quả của tư duy và hành động của con người đối với thế giới tự nhiên. Để bảo vệ môi trường trong điều kiện sống hiện nay, cần phải nghiêm túc đưa giáo dục về môi trường vào cuộc sống, định hướng “sống thiện” với tự nhiên.
Đó là tâm niệm của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini) – Nepal, người đã từng viết bức thư kêu gọi bảo vệ môi sinh từ đất Phật Đạo Tràng Ấn Độ, để cứu Mẹ Trái đất, gìn giữ môi sinh cho muôn đời sau.
Nhân dịp đầu xuân Tân Sửu, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi trực tuyến thân tình với Hòa thượng Thích Huyền Diệu, để mong muốn lan tỏa thông điệp “sống xanh – sống thiện” đến với Qúy độc giả, góp phần bảo vệ màu xanh của cuộc sống.
Thưa thầy, hàng loạt thiên tai vừa xảy ra tại Việt Nam cũng như thế giới, chính là lời cảnh báo nguy cấp đối với vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay. Được biết, thầy rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trên thế giới, với nhiều hành động và lá thư kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa, quan điểm của thầy về cách ứng xử hiện nay của con người với thiên nhiên như thế nào?
- Người Việt với đặc thù của nền văn minh lúa nước đã luôn gắn chặt với giới tự nhiên mà cụ thể là với cây cỏ, thời tiết, đất đai, nước… Chính thiên nhiên là nơi che chở cho con người, là nơi cung cấp nguồn của cải nuôi dưỡng sự sống của con người và cũng chính thiên nhiên là những thế lực to lớn có thể cướp đi sự sống ấy nếu con người không tôn trọng và giữ gìn. Chẳng hạn, khi trồng cây mà bón phân tự nhiên thì nó phát triển tốt, còn bón phân hóa học thì có thể nhiễm độc cả cho đất và môi trường.
Ngày nay, con người đang bị ảnh hưởng bởi văn hóa tiêu thụ nên nhiều thứ thuộc về thiên nhiên bị phá hủy ghê gớm, trong đó đặc biệt là cây xanh. Chúng ta nên nghĩ đến việc trồng cây gây rừng ngay bây giờ trước khi quá muộn, vì một cây xanh thôi cũng tạo ra một lượng oxy lớn cho con người hít thở và còn góp phần làm phì nhiêu đất đai. Ngoài ra, chúng ta còn sử dụng khí oxy trong các hoạt động sản xuất và những loài vật khác trên Trái Đất cũng rất cần khí oxy để tồn tại. Nếu không trồng thêm cây thì còn bao nhiêu năm nữa chúng ta sẽ không còn đủ oxy để thở?
Cách đây mấy chục năm, khi còn làm ở Ấn Độ, thầy có đề cập rất nhiều đến vấn đề môi trường và cây xanh nên đặc biệt quan tâm đến việc trồng cây bảo vệ môi sinh. Ngày trước khi thầy được chính quyền tại Lâm Tỳ Ni cấp đất xây chùa, nơi đây chỉ là một bãi đất trống, giờ đã rất nhiều cây xanh um tùm mọc lên, đặc biệt là những cây ăn trái. Nhờ đó, thầy cũng đã góp phần để đưa Lâm Tỳ Ni từ một vùng đất đầm lầy hoang vu trở thành một quần thể văn hóa Phật giáo không chỉ của Nepal mà của cả thế giới. Và thầy báo tin mừng là một phi trường quốc tế sắp hoàn thành ở nơi này, thầy sẽ tiếp tục trồng nhiều cây xanh ở đây.
Vừa rồi, có một đệ tử qua bên này ở với thầy một thời gian ngắn thôi, đã rất cảm thông và thấu hiểu ước mơ của thầy, anh ấy về Việt Nam và đã trồng được hơn 200 nghìn cây xanh rồi, bây giờ vẫn tiếp tục trồng nữa. Thầy rất vui vì đã lan tỏa được ước nguyện này đến nhiều người.
Thưa thầy, vậy giáo dục bảo vệ môi trường nên được bắt đầu từ đâu và cần thực hiện như thế nào?
- Giáo dục môi trường rất quan trọng. Chúng ta phải đưa tinh thần bảo vệ môi sinh ngay từ trường lớp mẫu giáo, tất cả mọi người Việt Nam đều tôn trọng môi sinh, để giáo dục bảo vệ môi trường trở thành truyền thống quý báu của nước ta mà bạn bè thế giới có thể học hỏi. Giáo dục để làm sao từ khi còn nhỏ, các con, các cháu đã có được ý thức thường trực bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Việt Nam nên đi tiên phong về vấn đề này.
Trước đây, anh Tiến (PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam – PV) có mang một cây ngâu sang bên này, thầy có chiết ra được rất nhiều cây khác và gửi tặng lại cho người dân địa phương họ trồng và nay các cây này đã rất xanh tốt rồi. Thầy nghĩ, truyền thông trong nước nên quyết liệt hơn nữa về giáo dục bảo vệ môi trường, để mọi người dân đều hình thành ý thức yêu quý cây xanh, yêu quý Mẹ Trái đất.
Nhiều năm qua, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động mang thông điệp bảo vệ môi trường, đặc biệt là chuỗi chương trình trồng cây Bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật được thực hiện tại nhiều nơi linh thiêng của đất nước (như các chùa, các nơi tri ân anh hùng liệt sỹ,…). Thầy đánh giá thế nào về các hoạt động này?
- Cây Bồ đề mà thầy và PGS.TS Trương Mạnh Tiến mang từ nơi đất Phật về có một vai trò môi sinh rất đặc biệt, thầy thấy rất vui. Cách đây mấy chục năm, thầy lên Thiền Viện Trúc Lâm nằm trên núi Yên Tử (Quảng Ninh) có trồng cây Bồ đề ở đây, đến giờ cây đã rất tươi tốt và làm thay đổi cục diện. Tất cả các nơi, từ vùng biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn, đền Hùng, Hoàng thành Thăng Long, Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội); đến vùng đất Mũi Cà Mau, cây Bồ đề đều phát triển rất tốt, đặc biệt ở Cà Mau, sau khi cây Bồ đề vươn tán xanh tươi thì đã có một ngôi chùa được xây dựng ngay tại đây. Việc trồng cây phải được chính quyền địa phương hợp tác thì sẽ thành công.
Xin gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam, những người yêu quý môi sinh, mong rằng chúng ta có thể làm được nhiều việc để cứu Mẹ Trái đất.
Nhân dịp xuân Tân Sửu đang cận kề, thầy gửi gắm thông điệp gì đến Phật tử chúng sinh để bảo vệ môi sinh được tốt nhất?
- Đúng hơn là tâm tư rất tha thiết của thầy, chúng ta sống là nhờ có không khí, đất, nước, bây giờ phải làm sao cùng nhau bảo vệ Mẹ Trái đất. Thầy tha thiết kêu gọi khi chúng ta có thể làm được gì thì hãy làm hết sức mình để Trái đất có một bầu không khí trong lành, để những việc làm của chúng ta lan tỏa được đến nhiều người cũng như nhiều quốc gia khác. Có nhiều Phật tử của thầy về nước đã trồng được trên 200 nghìn cây xanh, cứ tính 1 triệu người như vậy thì chúng ta có bao nhiêu cây xanh rồi, không để một chỗ đất nào trống.
Dù đi đâu, thầy vẫn luôn cảm nhận được tinh thần, tình cảm, lòng bao dung của người Việt Nam là tuyệt vời. Những nỗi đau chiến tranh còn để lại, mà chúng ta vẫn có thể xoa dịu được, để giờ đây dựng xây mối quan hệ hữu nghị với các nước bạn, cùng hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Chúng ta hãy tiếp tục phát huy những điều này và nên có tinh thần tri ân đất nước mình, để không còn hận thù. Trái đất sẽ xanh khi con người biết sống xanh và biết tri ân Tổ quốc, đó là phúc lành của dân tộc.
Nhân dịp năm mới sắp đến, thầy kính chúc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng bạn đọc sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng!
Trân trọng cảm ơn thầy!
Kính chúc thầy năm mới bình an, đạt được nhiều thành tựu trên con đường tu tập!
Phúc Thanh (Thực hiện)