VIASEE: Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...
Hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập VIASEE, tôi xin nhắc lại một kỷ niệm là Hội thảo khoa học chào mừng sự ra đời của VIASEE được tổ chức vào tháng 12/1999.
Hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), là một trong những thành viên đầu tiên, tôi xin nhắc lại một kỷ niệm thú vị là Hội thảo khoa học chào mừng sự ra đời của VIASEE được tổ chức vào tháng 12/1999.
Có lẽ cũng cần nói tới tình hình nghiên cứu và đào tạo môi trường vào thời điểm ra đời của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cuối năm 1999. Mọi người đều biết, vào năm 1993, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường và thành lập cơ quan quản lý môi trường nhà nước là Cục Môi trường trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Trước đó, đã có một số tổ chức nghiên cứu và đào tạo (cấp Viện, Khoa, Trung tâm) trong nước được đặt tên và hoạt động chính thức về môi trường là Trung tâm Tài nguyên và Môi trường (CRES) thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quyết định thành lập năm 1985; Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam quyết định thành lập năm 1988; Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp (CEETIA) do Trường Đại học Xây dựng quyết định thành lập năm 1989; Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên do Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định thành lập năm 1995; Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập năm 1998.
Các nơi khác đang trong quá trình hình thành tổ chức đào tạo và nghiên cứu về môi trường, kể cả nơi khai sinh các hoạt động đầu tiên của Hội Kinh tế Môi trường là Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tuy nhiên, không khí học tập, nghiên cứu và tập hợp lực lượng cán bộ làm công tác môi trường đang diễn ra rất mạnh mẽ ở hầu hết các trường đại học, các viện nghiên cứu ở nhiều thành phố lớn trong cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng...
Nguồn cung cấp kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo chủ yếu là nguồn tài trợ từ nước ngoài, các bộ chuyên ngành của nước ta: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Nông nghiệp, Bộ Thủy sản, Bộ Công nghiệp, Bộ Năng lượng,... Nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là từ Cục Môi trường thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Tôi còn nhớ vào các năm 1998 - 1999, Cục Môi trường do TS. Nguyễn Ngọc Sinh làm Cục trưởng đã tài trợ cho nhóm nhà khoa học do GS.TS Trần Hiếu Nhuệ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu tính toán thiệt hại kinh tế gây ra bởi ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất và dịch vụ”, trong đó lấy nhà máy giấy Bãi Bằng làm đối tượng nghiên cứu điển hình. Tôi được mời tham gia và viết phần “Phương pháp luận và phương pháp tính toán thiệt hại kinh tế môi trường”.
Rất phấn khởi về những kết quả và thành công ban đầu của mình, tôi đăng ký tham gia ngay vào một Hội thảo Khoa học thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam với tên “Kinh tế học môi trường: Lý luận và Áp dụng vào thực tiễn Việt Nam” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Chương trình Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tôi nhớ không khí Hội thảo diễn ra rất sôi nổi, PGS Đặng Như Toàn và PGS.TS Trương Mạnh Tiến, cùng với PGS.TS Nguyễn Thế Chinh là những người chủ trì năng động, nhiệt tình; Gần 80 nhà khoa học môi trường có liên quan như GS Lê Thạc Cán, GS Phạm Ngọc Đăng, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ... tham gia và thảo luận sôi nổi. Tôi không nhớ có thủ tục đăng ký là thành viên của TW Hội Kinh tế Môi trường hay không, nhưng từ giờ phút đó tôi đã coi mình là thành viên chính thức của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Ảnh hưởng của Hội thảo đến hoạt động bảo vệ môi trường trong nước là khá lớn. Riêng đối với bản thân tôi, báo cáo với tiêu đề “Tiếp cận phương pháp tính toán thiệt hại kinh tế gây ra bởi ô nhiễm và sự cố môi trường” được đăng trong các trang 192 - 201 của Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Kinh tế học môi trường: Lý luận và Áp dụng vào thực tiễn Việt Nam” là công trình nghiên cứu đầu tiên về kinh tế môi trường được đồng nghiệp đánh giá tốt.
Tôi còn bất ngờ hơn nữa là sau khi ở miền Nam xảy ra vụ Công ty Vedan xả nước thải ra sông Đồng Nai, trang điện tử của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã đăng lại toàn văn báo cáo đó với hàng tít trong mục MÔI TRƯỜNG VỚI CỘNG ĐỒNG cập nhật vào 20:59:00 ngày 06/11/2009 như sau: “Tại cuộc Hội thảo "Môi trường và doanh nghiệp qua vụ việc Vedan" ngày 25 tháng 10 năm 2008, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đề cập tới vấn đề định giá hậu quả ô nhiễm. Nhận thấy hiện nay vấn đề này có những diễn biến phức tạp, Hội xin đăng lại bài báo của PGS.TS Lưu Đức Hải, Ủy viên BCH TW Hội được trình bày tại Hội thảo nhân thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường năm 1999. Xin giới thiệu để tham khảo”.
Như vậy, đã hơn 20 năm qua, kỷ niệm về sự thành lập của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và đặc biệt là Hội thảo khoa học chào mừng sự ra đời của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam vẫn còn trong ký ức của tôi, một thành viên của TW Hội từ những ngày ban đầu.
Tôi tin rằng dù gặp những khó khăn, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ liên tục phát triển để góp phần xây dựng một chuyên ngành khoa học Kinh tế Môi trường tương xứng với giai đoạn phát triển kinh tế cao theo hướng kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội của đất nước.
PGS. TS Lưu Đức Hải,
Phó Chủ tịch VIASEE