Ấn tượng 20 năm Hành trình Xanh VIASEE
Trải qua 20 năm hình thành, phát triển, TW Hội KTMT VN đã có nhiều hoạt động tích cực nâng cao vị thế, đẩy mạnh nhiệm vụ BVMT, phát triển kinh tế xanh bền vững.
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có nhiều hoạt động tích cực để nâng cao vị thế, đẩy mạnh nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh bền vững.
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có nhiều hoạt động tích cực để nâng cao vị thế, đẩy mạnh nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh bền vững.
TS TRẦN HỒNG HÀ, BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Trước tiên tôi xin được chúc mừng TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tròn 20 tuổi. Sự ra đời của Hội có vai trò hết sức quan trọng, khẳng định nhận thức của chúng ta đã có sự thay đổi, xác định được giữa vấn đề kinh tế môi trường có mối quan hệ hữu cơ và đến hôm nay, kinh tế môi trường đã thực sự trở thành một thực thể phát triển quan trọng trong đời sống xã hội.
Trên thế giới, kinh tế môi trường được hình thành ở nhiều quốc gia và thay thế mô hình phát triển kinh tế trước đây. Cụ thể, nền kinh tế dựa vào tài nguyên được thay bằng nền kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, hay còn gọi là nền kinh tế dựa vào đầu tư vào vốn tự nhiên, dựa vào bảo vệ môi trường. Đây cũng là nền kinh tế đem lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, giải quyết công ăn việc làm… Điều này cho thấy, việc thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có tầm nhìn chiến lược, dự báo trước được tình hình và nắm bắt được xu thế thời đại.
Trong thời gian qua và đặc biệt là 15 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Kinh tế Môi trường đã cung cấp cho xã hội, người dân rất nhiều kết quả nghiên cứu kể cả mặt lý luận cũng như đi trước để giới thiệu những mô hình hay. Sứ mệnh của Tạp chí Kinh tế Môi trường cũng như TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng và còn nhiều việc phải làm trong thời gian sắp tới, trọng tâm là cung cấp nhiều kết quả nghiên cứu liên quan đến lý luận để hình thành các mô hình phát triển như là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp…, giới thiệu các mô hình trên thế giới hiện nay phù hợp với Việt Nam để có thể sớm chuyển nền kinh tế đang dựa vào khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên thay bằng nền kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Bên cạnh đó, chúng ta phải tận dụng thật tốt các nguồn nhiên liệu, tiến tới phát triển vững chắc nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế dựa trên vốn tự nhiên.
PGS.TS BÙI THỊ AN, NGUYÊN ĐBQH, VIỆN TRƯỞNG VIỆN TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG
Theo tôi, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã làm tốt nhiệm vụ, tuy nhiên trong giai đoạn mới cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa để không lãng phí nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Để làm tốt công tác chuyên môn, phản biện xã hội, nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ môi trường, thời gian qua, TW Hội đã không ngừng kiện toàn tổ chức, kết nạp thêm hội viên, thu hút các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế, môi trường. Tuy nhiên, đội ngũ chuyên gia không chỉ đòi hỏi năng lực giỏi về chuyên môn mà quan trọng hơn cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, làm việc công tâm, công bằng, đóng góp những ý kiến khách quan theo hướng xây dựng đối với các dự án có ảnh hưởng đến môi trường để kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm đưa ra những sự điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật, cũng như các giải pháp phù hợp, loại trừ khả năng xảy ra tiêu cực.
Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp với vai trò phản biện xã hội, TW Hội thông qua cơ quan ngôn luận Tạp chí Kinh tế Môi trường cần nêu ra những bất cập của thực tế, phản ánh, tạo diễn đàn dư luận, truyền thông thông tin một cách kịp thời, hiệu quả. Cụ thể, Tạp chí phải là lá cờ đầu trong việc cung cấp thông tin chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế, môi trường. Bên cạnh đó, Tạp chí cần mở rộng phạm vi phản ánh thông tin về vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh trong nước và quốc tế, đem đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích, có chiều sâu, các dự án, công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực kinh tế môi trường.
Trong bối cảnh toàn thế giới đề cao vấn đề bảo vệ môi trường, tại Việt Nam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Do đó, nhiệm vụ của VIASEE sẽ càng nặng nề hơn, đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững.
TS NGUYỄN VĂN TÀI, TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC MÔI TRƯỜNG, BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Trong thời gian vừa qua, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã đồng hành tích cực cùng người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, là một phần không thể thiếu của công cuộc bảo vệ môi trường và đạt được những kết quả nhất định, phát huy vai trò, sứ mệnh của một hội chuyên ngành về kinh tế môi trường.
Theo đó, TW Hội đã tham gia, đóng góp từ góc độ xây dựng chủ trương chính sách, văn bản pháp luật của Việt Nam như Nghị quyết 24 của Trung ương về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hình thành chính sách quản trị tài nguyên bảo vệ môi trường bằng việc tham gia đóng góp xây dựng chủ trương nghị quyết của Ban cán sự Đảng bộ Tài nguyên và Môi trường về kinh tế quản lý tài nguyên môi trường, giúp thay đổi rất lớn về cách thức quản lý, mô hình quản lý, cách tiếp cận quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường nhìn từ góc độ kinh tế, kết hợp giữa công cụ bảo vệ kinh tế và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam từ việc xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 hay Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, từ góc độ kinh tế môi trường Hội đã đưa ra được những cách làm, những giải pháp, công cụ kết hợp giữa kinh tế và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã quy tụ, tập hợp được lực lượng chuyên gia, nhà khoa học, các nhà chuyên môn trên lĩnh vực kinh tế môi trường; Tham gia đóng góp phản biện xã hội, tham gia những hoạt động cụ thể về bảo vệ môi trường nhìn từ góc độ kinh tế; Khai thác khía cạnh kinh tế để bảo vệ môi trường và ngược lại khai thác khía cạnh bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế xanh hơn từ góc độ tạo công ăn việc làm, tạo đóng góp ngân sách và tạo lợi ích cho xã hội.
Có thể nói TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã phát huy được vai trò và sứ mệnh của mình, có những đóng góp thực tế, thiết thực và thực sự có ích cho công tác bảo vệ môi trường trong thời gian vừa rồi.
TS TẠ ĐÌNH THI, TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM, BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Với xu thế phát triển kinh tế biển trên thế giới hiện nay cùng nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thông qua tại Nghị quyết 36-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chắc chắn thời gian tới việc gia tăng áp lực lên môi trường biển sẽ ngày càng lớn và vì vậy trách nhiệm của chúng ta đối với công cuộc bảo vệ môi trường biển, bảo đảm sự phát triển bền vững biển và hải đảo cũng như bền vững của đất nước là nhiệm vụ hết sức cấp bách, quan trọng.
Trong suốt thời gian 20 năm hoạt động, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng, tích cực cho sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước, đặc biệt là trong công tác tư vấn, phản biện, tổ chức các phong trào, các hoạt động để thúc đẩy việc bảo vệ môi trường. Nhiều sáng kiến của TW Hội đã được đưa vào trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, của Nhà nước cũng như là những quy định của pháp luật.
Hy vọng rằng trong thời gian tới TW Hội sẽ tiếp tục phát huy được truyền thống, kế thừa những thành quả đã đạt được để cùng chúng tôi – Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đẩy mạnh, thúc đẩy sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo có vị trí, vai trò rất quan trọng.