Chủ tịch danh dự VIASEE Hòa Thượng Thích Huyền Diệu: Người gieo mầm xanh hạnh phúc
Hẳn mỗi người Việt Nam may mắn nào có dịp hành hương về đất Phật - Ấn Độ và Nepal, ai cũng muốn dành thời gian ghé thăm An Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật.
Khai sinh ra ngôi chùa nổi danh ấy chính là Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal và hiện là Chủ tịch danh dự của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Cơ duyên xây chùa trên đất Phật
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Bến Tre, là nạn nhân chịu nhiều đau khổ của bệnh tật, đói nghèo và chiến tranh; Năm 8 tuổi, như một nhân duyên, Hòa thượng Thích Huyền Diệu được sư phụ Hoằng Nhơn cứu giúp và đưa tới ngôi chùa ở vùng Bảy Núi, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia.
Năm 1969, khi đang là sinh viên theo học Đại học Nantes và Sor-bonne của Pháp, Hòa thượng Thích Huyền Diệu đặt chân đến Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ. Quỳ dưới Kim Cang tọa, lòng Hòa thượng trào dâng một niềm xúc động bởi ước nguyện của cuộc đời mình đã thành sự thật. Chứng kiến các ngôi chùa của các nước hiện hữu trên thánh địa Phật giáo, Hòa thượng không khỏi chạnh lòng, đạo Phật đã đến Việt Nam trên 2.000 năm nhưng nơi đây lại không có bóng dáng ngôi chùa của quê hương xứ sở.
Dành dụm từng đồng tiền đi dạy học và nhận được sự ủng hộ tích cực của các học trò Âu Mỹ, nhiều năm sau đó, trải qua bao khó khăn trắc trở, Hòa thượng mua được miếng đất 450m2, trong khi chùa của các nước rộng hàng ngàn m2 do nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ.
Việt Nam những năm đầu của thập kỷ 80, tình hình trong nước sau chiến tranh còn đói nghèo, Phật giáo chưa được chấn hưng, cộng đồng người Việt ở Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ khi ấy chỉ có một mình Hòa thượng nên việc xây chùa khó khăn chưa từng thấy. Nhưng đã là cơ duyên thì mọi việc dường như được sắp đặt, lần lượt những chủ đất xung quanh đã đồng ý bán lại cho Hòa thượng, dần dần, diện tích của ngôi chùa lên đến 30.000m2.
Vì Hòa thượng Thích Huyền Diệu là người nước ngoài đầu tiên được cấp đất xây chùa tại nơi đức Phật đản sinh nên vua Nepal cho một chiếc máy bay đặc biệt đưa Hòa thượng xuống Lumbini để chọn đất. Ngồi trên máy bay lựa chọn kỹ lưỡng nhưng khi đứng trước khu đất, Hòa thượng thất vọng não nề. Một vùng đất trũng sình lầy và toàn ao hồ sẽ khiến việc dựng chùa khó khăn chồng chất thêm khó khăn. Số tiền 60 USD còn lại trong túi của Hòa thượng lúc ấy chỉ đủ dựng căn lều plastic và mua các vật dụng sinh hoạt.
Là khởi nguồn của đạo Phật nhưng ở Ấn Độ và Nepal số người dân theo đạo Phật lại rất khiêm tốn. Chính vì vậy, Hòa thượng Thích Huyền Diệu hiểu rằng, ngôi chùa Việt Nam không thể tồn tại độc lập ở nơi này nếu không vận động các nước Phật giáo trên thế giới cùng kiến tạo Lumbini trở thành một quần thể. Và thế là Hòa thượng bền bỉ, kiên trì đến các nước thuyết phục. Tự tay bẻ sắt, đúc móng làm chùa rồi tự tay trồng những bông sen, bông súng, tự tay đóng những vật dụng sinh hoạt; Hòa thượng lấy sự giản dị, đơn sơ làm điều an vui cho cuộc đời mình. Chính sự giản dị ấy, đã làm nên hồn cốt cho ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự giữa muôn vàn kiến trúc chùa chiền tại Lumbini.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh (Berlin – Đức) cho biết: “Chúng tôi là người Việt Nam sống xa xứ cũng đã lâu, hơn 10.000km chúng tôi cũng đã đến được nơi đất Phật này. Khi chúng tôi bước chân vào ngôi chùa, chúng tôi cảm thấy mình đang sống giữa một làng quê của Việt Nam. Nơi đây đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc, tôi cảm thấy được hòa thượng trụ trì đã rất thương yêu đất nước Việt Nam và luôn luôn hướng về quê hương”.
Hòa thượng Thích Huyền Diệu, thế danh là Lâm Trung Quốc, tốt nghiệp Khoa Thần học tại Đại học Sorbornne, Pháp. Sau đó, Hòa thượng tiếp tục sang Ấn Độ học và tu hành.
Hòa thượng là người ngoại quốc đầu tiên được Chính phủ Vương quốc Nepal cấp đất xây dựng An Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa đầu tiên tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Đức Phật Thích Ca giáng trần, để từ đó, gần 40 quốc gia khác hưởng ứng xây dựng chùa của nước mình, tạo thành một Liên hợp quốc Phật giáo tại Lumbini - Nepal.
Tấm lòng nhân ái hóa giải can qua
Là người ngoại quốc đến sinh sống và làm việc trên đất nước này, Hòa thượng Thích Huyền Diệu yêu quý Nepal như quê hương thứ hai. Với uy tín của mình và ngôi chùa Việt, Hòa thượng đã được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới Lumbini. Kể từ sau vụ thảm sát hoàng cung năm 2002 tại Nepal, đất nước này lâm vào nội chiến triền miên. Và khi chiến tranh Nepal nổ ra, tình yêu ấy đã thôi thúc Hòa thượng thực hiện một sứ mệnh cao cả, đó là góp phần mạnh mẽ trong việc chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu làm chết hơn 14.000 người.
Năm 2005, Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã gửi thư cho nhà vua cùng ban lãnh đạo các đảng phái chính trị đề nghị kiến lập hòa bình cho khu vực Lumbini nói riêng và đất nước Nepal nói chung. Lá thư tâm huyết của Hòa thượng đã có một tiếng vang trong dư luận và một lần nữa hình ảnh Việt Nam được đề cao trong giới Phật giáo quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ giới thiệu sách “Nepal – Hòa bình trong tầm tay của Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli chia sẻ: “Cuộc nội chiến tại Nepal kéo dài suốt 10 – 12 năm nhưng từ đó đến nay, các cuộc xung đột đã được giải quyết ổn thỏa. Việc kiểm soát vũ khí hay các vấn đề khác đã được tiến hành rất tốt. Chúng tôi đã có được một nền hòa bình, thịnh vượng. Tôi muốn cảm ơn Hòa thượng Thích Huyền Diệu vì tình cảm to lớn mà Hòa thượng dành cho đất nước Nepal. Xin cảm ơn tình cảm của những người bạn, những gia đình đã yêu quý đất nước chúng tôi”.
Với trọng trách là Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới Lumbini, Hòa thượng được Chính phủ Vương quốc Nepal quý trọng, ủng hộ như một nhân vật phát tâm đóng góp công sức xây dựng phát triển Lumbini thành một trung tâm văn hóa tâm linh quốc tế, góp phần nâng cao sự tín nhiệm và vị thế của Nepal trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân loại.
Thế mới thấy, để có được ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật ngày hôm nay, không chỉ là sự dấn thân, là mồ hôi và nước mắt của Hòa thượng Thích Huyền Diệu mà còn là sự sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của Hòa thượng cho đạo pháp và dân tộc.
50 năm sau ngày Hòa thượng phát nguyện khi lần đầu đặt chân đến đất Phật, 2 ngôi chùa Việt Nam đã mọc lên trên thánh địa Phật giáo Ấn Độ và Nepal. Lumbini từ một vùng đất đầm lầy hoang vu đã trở thành một quần thể văn hóa Phật giáo không chỉ của Nepal mà của cả thế giới. Những ước nguyện tốt đẹp của Hòa thượng qua bao khó khăn và thử thách của cuộc đời cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực.
Tâm nguyện suốt đời tri ân "Mẹ thiên nhiên"
Đầu những năm 1990, như một cơ duyên, trong một lần đi thăm Bồ Đề Đạo Tràng tại Boudha Gaya, Bihar, Cộng hòa Ấn Độ, một số cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam (trong đó có nhà văn Hồ Anh Thái) đã đến chiêm bái cội Bồ Đề linh thiêng và thật bất ngờ khi phát hiện ra một mảnh đất nhỏ đang trồng rất nhiều cây có một ngôi nhà 4 tầng với những tấm bản đồ Việt Nam khắc nổi trên cửa chính và tất cả các cửa sổ! Bên cạnh đó là ngổn ngang gạch ngói đang xây cất một công trình gì đó. Thì ra đó là nơi khởi đầu của An Việt Nam Phật Quốc Tự ngày nay.
Ở đó duy nhất có một người Việt Nam xưng danh là Người làm vườn kiêm quét chùa. Một người đàn ông trạc tứ tuần trong bộ quần áo nâu nhà chùa đeo cặp kính cận, thân hình mảnh mai nhưng toát lên vẻ kiên nghị mà hiền từ, nhanh nhẹn mà cẩn trọng, giọng nói Nam bộ nhỏ nhẹ chầm chậm thể hiện là người đã lâu rất ít được trao đổi, tiếp xúc với người Việt Nam khi chào bằng tiếng Anh. Ông tỏ sự ngạc nhiên tột độ khi biết các vị khách đến từ Việt Nam. Đó chính là Hòa thượng Thích Huyền Diệu.
Từ cuộc hạnh ngộ ấy, ngài Vũ Xuân Áng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán có sự liên hệ và quảng bá rộng rãi về sự hiện diện của ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự nơi Bồ Đề Đạo Tràng mà mọi Phật tử trong nước và quốc tế đều biết. PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, lúc đó là Tùy viên Khoa học nhiệm kỳ 1989 – 1992 cho biết, hàng năm vào dịp hè ông vẫn thường tổ chức cho các lưu học sinh Việt Nam giao lưu, tọa đàm cùng Hòa thượng Thích Huyền Diệu.
Cũng trong thời gian ấy, Hòa thượng bày tỏ ý nguyện muốn được trở về thăm quê hương Việt Nam. Sau một số lần về thăm Việt Nam để giảng pháp ở nhiều chùa khác nhau cũng như nói chuyện ở một số nơi trên khắp đất nước, Hòa thượng mong muốn được viếng thăm Đất Tổ với ý nguyện trồng một cây Bồ Đề tại đây. Ý tưởng hình thành: Cây của Phật trồng nơi Đất Tổ!
“Ngày hôm nay được an vui, hạnh phúc và thành công như thế này, tôi rất may mắn khi sinh ra ở Việt Nam, bố mẹ Việt Nam và gặp được ông thầy người Việt Nam. Ông thầy Việt Nam dạy rất nhiều điều, trong đó có một điều mà thầy nói rất ấn tượng: Khi nào con uống một chén nước, ăn một bát cơm là không được quyền quên ơn. Và nhờ triết học này mà cách đây trên 50 năm, tôi rời khỏi đất nước Việt Nam chỉ có cái quần và 2 cái áo, tất cả những gì mơ ước đều đạt được hết. Nhờ tri ân thầy tổ, nhờ tri ân đất nước Việt Nam cho nên mới làm được tác phẩm này. Nhờ tri ân ông thầy, nhờ tri ân đất Phật, đức Phật cho nên chúng ta đã cứu được Lumbini. Người nào mà tri ân cha mẹ, ông bà tổ tiên, tri ân đất nước, thầy tổ là cuộc đời họ sẽ rất hạnh phúc”, Hòa thượng Thích Huyền Diệu chia sẻ.
Như một cơ duyên, đầu năm 2021, lãnh đạo TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có dịp về thăm lại cây Bồ Đề mà Hòa thượng Thích Huyền Diệu chủ trương trồng nơi Đất Tổ.
Hơn hai mươi năm qua, cây Bồ Đề vượt qua bão gió giờ đã vươn cao, tỏa bóng cùng muôn ngàn cây lá ngút ngàn nơi núi Hy Cương hùng vĩ, linh thiêng thờ các Vua Hùng. Mỗi năm, Đền Hùng đón đồng bào con dân đất Việt từ mọi phương trời về đây tụ hội, thăm viếng đảnh lễ với lòng tôn kính, biết ơn vô hạn.
Cây Bồ Đề được bao quanh bởi một hàng rào bảo vệ bằng sắt luôn có những làn khói hương tỏa ngát bởi khách viễn du cung kính cắm nơi gốc cây. Bên cạnh đó là một tấm bia đá với dòng chữ khắc ghi “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN", như để nhắc nhở một thông điệp, một lời dặn dò cho con cháu muôn đời sau!
Với Hòa thượng Thích Huyền Diệu, trồng nhiều cây xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, làm giảm các khí độc hại, tạo không gian xanh, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra, mà còn là bài học quý về lòng tri ân với quê hương, đất nước. Tâm nguyện ấy đã trở thành “kim chỉ nam” trong cuộc đời và hành trình tu tập của Hòa thượng, người luôn coi việc trồng cây là sứ mệnh của mình khi đặt chân đến bất cứ vùng đất nào.
Theo Hòa thượng, trồng một cái cây cũng như nuôi dưỡng một con người, không đơn giản chỉ là đào hố, trồng cây xuống là xong, mà còn cần chăm sóc, bón phân, thương yêu, phải trân trọng thì cây mới lớn được. Chúng ta phải có phương pháp trồng, vì mỗi loại cây sẽ thích ứng với một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Chính quyền địa phương ở bên này, họ đánh giá chùa Việt Nam của mình là ngôi chùa có môi sinh tốt nhất. Hòa thượng mong sẽ đem được tất cả các cây quý trên thế giới về trồng trên quê hương mình.
“Nước ta là một nước nông nghiệp, phải tận dụng thế mạnh của mình, không phải cái gì cũng học theo các nước khác được, bây giờ mình phải sản xuất nông nghiệp, trong đó quan trọng là trồng cây. Chúng ta phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh về địa hình, đất đai và những tài nguyên sẵn có. Sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh mà Chính phủ Việt Nam đề xuất cần phải làm ngay lập tức vì cuộc sống này là vô thường, nên khi đã nói là phải thực hiện luôn”, Hòa thượng Thích Huyền Diệu nhấn mạnh.
Năm 2020, Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã kêu gọi mỗi người nên hạn chế tối đa dùng đồ nhựa và túi nilon để bảo vệ môi trường. Theo Hòa thượng, những ngày qua, dịch bệnh đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Đây là một trong những tai họa do sự lạm dụng phá hủy môi sinh, không tôn trọng “Mẹ vũ trụ, thiên nhiên”... Chúng ta cần tĩnh tâm suy niệm thật kỹ, cùng thành tâm thành thật tu niệm, cùng tôn trọng bảo vệ môi sinh thì tai ương sẽ biến mất.
Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã lên tiếng cấp thiết kêu gọi mỗi người có thể giúp môi sinh tốt hơn bằng cách: Trồng thật nhiều cây; Tiết kiệm nước; Hạn chế tối đa dùng đồ nhựa và túi nilon... Trong lá thư được viết ngày 26/7/2014 về 10 điều ước của Hòa thượng khi đi tu tập ở vùng Himalaya, Hòa thượng đã nhấn mạnh về tình trạng ô nhiễm môi trường trên Trái đất và khuyến khích mỗi người nên ý thức để bảo vệ môi trường.
Cũng ít ai được biết Hòa thượng Thích Huyền Diệu cũng là người đi đầu trong việc bảo vệ hồng hạc Himalaya (sarus crane), loài hạc lớn nhất thế giới với chiều cao tới 1,7m và đang có nguy cơ tuyệt chủng, tại Lumbini. Ngay từ khi An Việt Nam Phật Quốc Tự đang xây dựng, một đôi hồng hạc đã bay về sinh sống tại khuôn viên chùa. Hòa thượng đã kiên trì nghiên cứu tập tính hồng hạc và kêu gọi bảo vệ loài chim này. Nhờ có những hoạt động tích cực của Hòa thượng, đến nay đã có khoảng 40 con hồng hạc về vùng Lumbini sinh sống.
Đầu năm 2020, trong một lần về thăm quê hương, Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã gặp mặt lãnh đạo và các cán bộ, phóng viên của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường tại chính Văn phòng của TW Hội.
Sự tri ân với Mẹ Thiên nhiên, lòng hiếu hòa và tình yêu thiên nhiên bảo vệ môi trường của Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã lan tỏa một năng lượng tích cực, truyền niềm cảm hứng cống hiến cho các cán bộ, phóng viên TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường. Với họ, hình ảnh vị Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal, Chủ tịch danh dự Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam vừa gẫn gũi, vừa thân quen, vừa ấm áp vừa tràn đầy kính ngưỡng.