Kinh tế môi trường và góc nhìn từ các chuyên gia
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam vừa cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức Tọa đàm “Kinh tế môi trường – Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam”.
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam vừa cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức Tọa đàm “Kinh tế môi trường – Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam”.
Ô nhiễm môi trường là tác nhân làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển kinh tế. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề trọng tâm được Đảng và Chính phủ đề ra trong việc phát triển kinh tế gắn với phát triển kinh tế, xã hội trong nhiệm kỳ Đại hội XII (giai đoạn 2016-2020). Xác định mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu quan trọng đặt ngang bằng như an ninh, quốc phòng, kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tri thức.
Bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế thì hiện nay, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế.
Trong 5 năm qua, năm 2017 tại Việt Nam 4 cơn bão đã càn quét và làm thiệt hại nặng về kinh tế lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Năm 2020, hiện tượng nắng nóng, nhiệt độ ở mức cao, 14 cơn bão, 2 cơn áp thấp, 120 trận lũ quét gây sạt lở, dông, lốc mưa đá... làm thiệt hại nhiều về người và kinh tế. Mặc dù là quốc gia nhỏ nhưng Việt Nam có tỉ lệ xả rác thải nhựa ra đại dương đứng thứ 4 thế giới với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Ô nhiễm không khí khiến Việt Nam mất đi khoảng 5,18% GDP, ô nhiễm nguồn nước cũng có thể gây thiệt hại tới 3,5% GDP.
Theo một số nghiên cứu, trong 10 bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp và nguyên nhân đến từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỉ USD mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5-7% GDP).
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, để giải quyết những vấn đề nêu trên, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó là sự đồng hành của doanh nghiệp khi tham gia vào sự phát triển kinh tế chung của các nước.
"Đó cũng là lý do Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức Tọa đàm “Kinh tế Môi trường – Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam” nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, xác định những thách thức cũng như cơ hội cho doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Tọa đàm hứa hẹn là buổi thảo luận bàn tròn thú vị, quy tụ các diễn giả nổi tiếng, đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, các nhà kinh doanh tiên phong trong lĩnh vực kinh tế môi trường tại Việt Nam...", PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho hay.
Cùng phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ khái quát về vấn đề kinh tế môi trường.
"Đầu tiên, cần nắm rõ hệ kinh tế, hệ môi trường. Kinh tế Môi trường là một môn học mới. Tôi là người đầu tiên soạn giáo trình môn Kinh tế Môi trường. Hiện nay nhiều trường đã sử dụng giáo trình này. Mục tiêu nắm rõ quan hệ giữa hệ kinh tế và hệ môi trường. Trong đó hệ môi trường cung cấp tài nguyên cho hệ kinh tế và nó chứa đồng hóa cho nền kinh tế. Nhưng vấn đề tài nguyên là vô hạn hay hữu hạn? Và làm sao để cung cấp tài nguyên cho phát triển kinh tế, làm thế nào để vừa phát triển vừa giữ lại cho thế hệ sau?", GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu vấn đề.
Cũng theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, đối với việc sử dụng tài nguyên, chúng ta cần có phương án cụ thể. Đối với tài nguyên tái tạo phải có phương án tận dụng, tài nguyên không tái tạo phải nghiên cứu nguồn tài nguyên thay thế, để duy trì phát triển bền vững. Trong kinh tế môi trường luôn có sự bổ trợ, về kinh tế luôn sử dụng những công cụ như: thuế, phí, trợ giá… sau đó áp dụng sang môi trường, để quản lý.
Định lượng môi trường, kinh tế môi trường tạo ra các biện pháp tạo ra lợi ích về môi trường, tính ra được những con số chi tiết về môi trường thực tế, để có những phương án điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó đánh giá được sự hiệu quả của kinh tế môi trường. Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, một số chuyên gia khác cũng có phần trình bày về chủ trương, chương trình phát triển bền từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với chiến lược phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; kinh tế thương mại và vấn đề bảo vệ môi trường...