Kinh tế Môi trường có một tương lai hứa hẹn tại Việt Nam
David Glover là Giám đốc Chương trình Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA). Theo David Glover, kinh tế môi trường có một tương lai hứa hẹn ở Việt Nam.
David Glover là Giám đốc Chương trình Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA). Ông là một học giả nổi tiếng với các nghiên cứu về Kinh tế Môi trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dự báo xác đáng này của David Glover đã được đăng ngay trong số đầu tiên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, phát hành tháng 11/2006.
Ban Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng giới thiệu lại bài viết này cùng bạn đọc.
Từ khi thành lập, EEPSEA đã coi Việt Nam là quốc gia cần được ưu tiên và đã có nhiều nỗ lực để xây dựng năng lực nghiên cứu cho một số chuyên gia. Việt Nam được coi là một nơi làm việc hứa hẹn vì nhiều lý do. Thứ nhất, đất nước đang mở rộng cửa với thế giới đang rất khát khao học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác. Thứ hai, Việt Nam chưa có hệ thống chính sách mạnh cho việc bảo vệ môi trường mặc dù đã ở vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế nhanh.
Khi bắt đầu từ chỗ chưa có gì, Việt Nam có cơ hội tránh được những sai lầm mà các quốc gia khác đã mắc phải và có thể xây dựng được những chính sách dựa trên các nguyên tắc đúng đắn. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các lý thuyết kinh tế học thị trường, nhận thấy rằng những lý thuyết này cũng có thể áp dụng ở Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi bên cạnh các lý thuyết kinh tế chính trị truyền thống. Tuy nhiên, để nắm vững các công cụ kinh tế thị trường, đặc biệt khi áp dụng để giải quyết các vấn đề môi trường, cần có, những nỗ lực lớn trong việc xây dựng năng lực con người.
Những nỗ lực của EEPSEA bắt đầu bằng việc đưa ba nhà nghiên cứu Việt Nam vào một nhóm học viên được gửi đến tham dự một khóa đào tạo ngắn hạn về Kinh tế học Môi trường tại Trường Đại học Havard vào tháng 6/1993. Hai trong số ba người này sau đó đã có một dự án nghiên cứu thành công với EEPSEA. Họ đã tham gia hội thảo được tổ chức hai lần một năm và đã có nhiều lợi ích từ những hoạt động khác của EEPSEA. Cùng với thành viên sáng lập Ban Cố vấn, ông Võ Tòng Xuân, họ đã trở thành thành viên liên kết cốt cán của EEPSEA ở Việt Nam trong những năm đầu tiên (sau này, đại diện của Việt Nam là cố Giáo sư Lê Quý An).
Trong hai năm 1995 - 1996, đã tổ chức được hai khóa đào tạo Kinh tế Môi trường đầu tiên ở Việt Nam với khoảng 50 học viên. Hướng dẫn viên tham gia bao gồm Jean - Philippe Barde (OECD), David O’- Connor (OECD), Marian de Los Angeles (REECs, Philippines) và Camille Bann (Anh). Các học viên được cung cấp tài liệu và giáo trình tiếng Anh và hai giáo trình khác đã được dịch sang tiếng Việt. Ngoài ra, ba cuộc hội thảo kéo dài 3 ngày giới thiệu các khái niệm cơ bản về Kinh tế Môi trường cho các nhà lập chính sách cũng được tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM và Huế.
Ngay sau khóa học tháng 8/1996 là một hội thảo 5 ngày về xây dựng đề tài nghiên cứu cho những học viên đã tốt nghiệp của hai khóa. Các hướng dẫn viên đã làm việc với học viên về các đề tài trong lĩnh vực Kinh tế Môi trường như lâm nghiệp, rừng ngập mặn, nông hóa học và ô nhiễm đô thị.
Báo cáo kết quả các nghiên cứu này sau đó được tập hợp xuất bản trong cuốn sách “Kinh tế và Môi trường: Nghiên cứu điển hình ở Việt Nam” (Economy and En-vironment: Case Studies in Vietnam). Từ đó đến nay, đã có thêm nhiều nhà khoa học, quản lý môi trường Việt Nam hiểu và sử dụng tốt các kỹ năng trong nghiên cứu môi trường và đã giành được nhiều khoản tài trợ nghiên cứu của EEPSEA.
Việt Nam hiện là một trong những nước có nhiều người được EEPSEA tài trợ nghiên cứu nhất trong khu vực, một số người khác còn có thể hướng dẫn phương pháp nghiên cứu cho các nghiên cứu viên từ các nước trong khuôn khổ EEPSEA. Vai trò của EEPSEA ở Việt Nam do đó đã thay đổi đáng kể. Hiện tại có rất nhiều người Việt Nam tham gia các khóa đào tạo cấp khu vực của chúng tôi và giành được nguồn tài trợ. Ngoài ra chúng tôi còn hỗ trợ họ trong việc nâng cao hiệu quả chương trình giảng dạy.
Với các nhà sáng lập chính sách - EEPSEA tăng cường giúp đỡ, nâng cao sự hiểu biết về Kinh tế Môi trường trong quá trình lập chính sách và đảm bảo rằng những hỗ trợ nghiên cứu của EEPSEA phù hợp với mối quan tâm của Chính phủ Việt Nam.
Một số hoạt động khác của EEPSEA gần đây ở Việt Nam như tháng 8/2005 đã tổ chức một khóa học ở TP.HCM cho 25 giảng viên từ 15 trường đại học, cao đẳng giảng dạy môn Kinh tế Môi trường. Khung chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã quy định Kinh tế Môi trường là môn học bắt buộc ở tất cả các trường Đại học và Cao đẳng đào tạo kinh tế và quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường đều có giảng viên dạy môn học này. Vì vậy, EEPSEA, trong đó có những nghiên cứu viên lâu năm từ Việt Nam, tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách xây dựng một khóa học dành riêng cho những giảng viên mới.
Vào cuối năm 2005, chương trình tài trợ nghiên cứu có hướng dẫn một lần nữa được đưa ra cho Việt Nam, lần này dành cho những học viên khóa học đào tạo giảng viên. Các học viên được khuyến khích thực hiện các đề tài nghiên cứu theo nhóm có từ 2 thành viên trở lên. Hiện tại có 5 công trình nghiên cứu đang được tiến hành với các đề tài liên quan đến khu bảo tồn thiên nhiên và xử lý ô nhiễm do hoạt động thủy sản và tiểu thủ công nghiệp gây ra.
Cuối cùng, không thể không nói đến vai trò của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VEEA)*. Hội đã liên tục tổ chức các cuộc hội thảo hằng năm. Các cuộc Hội thảo này là cơ hội để các nhà kinh tế môi trường và những người quan tâm trên cả nước gặp gỡ và trao đổi về những đề tài bức xúc. Mỗi năm, hội thảo có một chủ đề riêng khác nhau – lần gần nhất, chủ đề của cuộc hội thảo là “Áp dụng công cụ kinh tế vào quản lý môi trường”. Những cuộc hội thảo này hoàn toàn do Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức và chủ yếu tự tìm nguồn tài trợ. Đây chính là biểu hiện cho thấy Kinh tế Môi trường đã phát triển sâu rộng và sẽ có một tương lai hứa hẹn ở Việt Nam.
*VEEA (Vietnam Economic and Environ-mental Association) là tên viết tắt giao dịch quốc tế của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam thời kỳ đầu, sau này Hội đổi thành VIASEE (Vietnam Association of Economic and Environmental).
Chương trình Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) được thành lập từ năm 1993 bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC) cùng với các với nguồn tài trợ từ Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) và Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA), nhằm hỗ trợ hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Mục tiêu của EEPSEA là nâng cao năng lực phân tích kinh tế đối với các vấn đề môi trường, qua đó các nhà nghiên cứu có thể đưa ra những lời khuyên hợp lý cho người lập chính sách. EEPSEA sử dụng phương pháp mạng lưới để hỗ trợ cho những nhà nghiên cứu thuộc 10 nước thành viên không chỉ nguồn tài chính mà cả tổ chức hội thảo, đào tạo cán bộ, hướng dẫn nguồn tra cứu tài liệu, giới thiệu ấn phẩm và các cơ hội nghiên cứu. 10 nước thành viên của EEPSEA bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Papua New Guinea và Sri Lanka.
Tháng 4/2015, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA Partnership) được phát triển chuyển tiếp từ Chương trình Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) và hoạt động như là một nền tảng ở khu vực ASEAN trong việc triển khai các nghiên cứu liên đa ngành để giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu. Viện đã phát triển thành một hệ thống gồm các tổ chức kinh tế và môi trường ở nhiều nước khác nhau trong khu vực, cùng nhau thực hiện nghiên cứu liên đa ngành để xác định các giá trị của môi trường cũng như tổ chức các khóa đào tạo sử dụng công cụ và kỹ thuật kinh tế trong phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường.
Tại Việt Nam, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA Partnership) thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) được thành lập vào tháng 8/2016.