Hướng tới hoàn thiện chính sách và pháp luật về kinh tế môi trường
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) chủ trương thành lập Ban Pháp chế nhằm thực hiện các chương trình phản biện, bảo vệ quyền lợi của hội viên.
Your browser does not support the audio element.
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) chủ trương thành lập Ban Pháp chế nhằm thực hiện các chương trình phản biện chính sách, thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi của hội viên trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.
Trong thời đại phát triển bền vững, các vấn đề về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đưa ra thảo luận và đang từng bước được áp dụng vào Việt Nam. Bối cảnh đó đòi hỏi các chính sách và pháp luật về kinh tế môi trường phải nhanh chóng được hoàn thiện, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế gắn chặt với vấn đề bảo vệ môi trường.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò chuyên môn, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có chủ trương thành lập Ban Pháp chế.
Để hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển của Ban Pháp chế, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong.
Thưa ông, sau khi Ban Pháp chế được thành lập và đi vào hoạt động sẽ có định hướng hoạt động, vai trò như thế nào đối với sự phát triển của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam?
- Qua 20 năm thành lập và hoạt động, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có những hoạt động chuyên môn thiết thực. Các công trình nghiên cứu và các đề tài mà TW Hội đã thực hiện hoặc liên kết thực hiện làm sáng tỏ những luận chứng về mặt khoa học chuyên ngành không chỉ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng mà còn là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền đưa ra những quyết sách quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế và môi trường.
Trong giai đoạn mới, nhằm nâng cao vai trò của TW Hội trong các hoạt động liên quan đến chính sách và pháp luật về kinh tế môi trường, Ban Pháp chế đề xuất các sáng kiến và triển khai các giải pháp cụ thể thông qua 3 nhóm hành động bao gồm: Nghiên cứu, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vào cuộc sống; Thực hiện các chương trình phản biện chính sách và lập pháp, thực thi pháp luật trong lĩnh vực kinh tế môi trường, từ đó góp phần hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế môi trường tại Việt Nam; Thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với môi trường.
Theo định hướng, Ban Pháp chế phải là đơn vị đi đầu của TW Hội trong các hoạt động nhằm làm nổi bật các vấn đề pháp lý về kinh tế môi trường, thu hút sự chú ý và quan tâm của toàn thể xã hội với lĩnh vực này, cũng như đảm bảo cộng đồng hội viên có thể được thụ hưởng một cách trọn vẹn các lợi ích mà chính sách, và quy định pháp luật mang lại.
Ông có thể chia sẻ cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Ban Pháp chế?
- Về cơ bản, Ban Pháp chế có các chức năng và nhiệm vụ cụ thể như sau: Ban Pháp chế là ban chuyên môn, trực thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, chịu sự điều hành trực tiếp của Ban Chấp hành TW Hội.
Là đơn vị tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành TW Hội trong mọi hoạt động có liên quan đến pháp luật, cụ thể gồm: Tập hợp, nghiên cứu thực trạng và kiến nghị với Ban Chấp hành TW Hội các vấn đề về pháp luật, chính sách, kế hoạch hoạt động nhằm đảm bảo các hoạt động của TW Hội và hội viên tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy định của pháp luật và Điều lệ, quy định khác của TW Hội; Làm đầu mối của TW Hội tập hợp các ý kiến, kiến nghị, phản ánh về chính sách, pháp luật các vấn đề liên quan trực tiếp và mật thiết tới các hoạt động của hội viên trong lĩnh vực kinh tế môi trường để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với đó, Ban Pháp chế góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên trong các quan hệ trong nước và quốc tế; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn thực thi chính sách, pháp luật; Phổ biến, cung cấp, hỗ trợ thông tin pháp luật cho cộng đồng hội viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Để thực hiện tốt những chức năng, nhiệm vụ đã đề ra, theo ông, định hướng xây dựng Ban Pháp chế như thế nào là phù hợp?
- Ban Pháp chế phải là một đơn vị năng động, tích cực và có trách nhiệm trong việc triển khai các chương trình hành động mà TW Hội giao phó trong lĩnh vực pháp luật về kinh tế môi trường. Cốt lõi và quan trọng nhất phải là hành động thực tiễn, có sự gắn kết và liên kết với các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội vì một mục tiêu chung. Để có thể thành công, cần tập trung vào mấy yếu tố chính như sau:
Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu là con người. Ban Pháp chế phải tập hợp được những chuyên gia, Luật sư, những chuyên viên có tâm và có kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực pháp luật liên quan đến kinh tế và môi trường.
Thứ hai, cần xây dựng được kế hoạch hoạt động để triển khai tới từng người, từng bộ phận, đảm bảo tính minh bạch, đầy đủ cho mỗi hạng mục công việc.
Thứ ba, cần có sự kết hợp chặt chẽ, bền vững với các Viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội khác và cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành để triển khai nhiệm vụ. Sau khi thành lập, Ban Pháp chế sẽ ký các thỏa thuận hợp tác với nhiều đơn vị để phối hợp triển khai các chương trình hợp tác nhằm thực hiện các nhiệm vụ mà TW Hội đã giao.
Thứ tư, huy động được sự tham gia và gắn kết chặt chẽ với các hoạt động của hội viên. Lấy quyền lợi của hội viên làm đích đến, trong sự thống nhất với quyền lợi của đất nước và cộng đồng.
Trong giai đoạn mới, Ban Pháp chế sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nào để hỗ trợ hoạt động cho các hội viên của TW Hội?
- Tôi cho rằng, hỗ trợ hội viên là một trong những hoạt động then chốt và là mục tiêu hoạt động của Ban Pháp chế. Ban sẽ ưu tiên triển khai các giải pháp bảo vệ chủ động và lan tỏa tới cộng đồng như các hoạt động truyền thông, tuyên truyền chính sách và pháp luật, khảo sát thu thập ý kiến và đề xuất từ cộng đồng hội viên để từ đó kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền.
Nhiệm vụ quan trọng của Ban Pháp chế là tư vấn pháp lý, triển khai các chương trình, dự án để phổ biến các nội dung của kinh tế môi trường và vấn đề pháp luật về kinh tế môi trường tới cộng đồng hội viên và xã hội.
Đồng thời, Ban Pháp chế cần có trách nhiệm trong việc hỗ trợ cộng đồng hội viên khai thác giá trị và lợi ích kinh tế trong sử dụng tài nguyên môi trường, như rác thải, nước thải và xử lý chất thải.
Ở giai đoạn khởi đầu, sẽ có những thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa ông?
- Thuận lợi cơ bản nhất, là quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển bền vững. Bên cạnh đó là sự thuận chiều với các xu hướng phát triển kinh tế trên thế giới. Ban Pháp chế cần nỗ lực đẩy nhanh tiến trình hoạt động tại Việt Nam để bắt kịp với thế giới, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Ngoài ra, thuận lợi còn đến từ sự nhất trí cao, cũng như quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo TW Hội trong việc triển khai các hoạt động nói chung và các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực kinh tế môi trường.
Bên cạnh các thuận lợi, có nhiều khó khăn trước mắt và lâu dài như nhận thức về môi trường và kinh tế môi trường trong cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ và đúng mực; Các vấn đề về môi trường vẫn đang bị coi là một gánh nặng và chi phí hơn là một nguồn lực; Hệ thống pháp luật Việt Nam chưa thực sự đầy đủ và hoàn thiện, nên chưa tạo được hành lang đủ tốt cho các hoạt động bảo vệ hội viên.
Khó khăn nữa là vấn đề về tài chính để các hoạt động của Ban Pháp chế đem lại hiệu quả thiết thực. Tôi cho rằng cần triển khai rất nhiều chương trình hành động mỗi năm để gắn kết và tăng cường quyền lợi, trách nhiệm của hội viên.
Mặc dù có các khó khăn như vậy, nhưng tập thể cán bộ và nhân viên Ban Pháp chế sẽ giữ vững quyết tâm, nỗ lực tìm giải pháp để vượt qua và tận dụng những cơ hội, thuận lợi để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ mà Ban lãnh đạo TW Hội đã tin tưởng giao phó.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cẩm Anh